Nông dân cần thận trọng khi sản xuất lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là vụ Xuân Hè) (Lượt xem: 1001)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 16/01/2024

Hàng năm, vụ Đông Xuân là vụ lúa cho năng suất, lợi nhuận cao nhất cho người trồng và mang tính quyết định đến chỉ tiêu sản lượng lúa của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, những năm gần đây vào thời điểm canh tác lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là Xuân Hè) tình hình mặn xâm nhập thường xuyên diễn ra đã gây ra nhiều rủi ro cho người trồng lúa. Mùa khô năm nay được dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cùng các địa phương khuyến cáo nông dân cân nhắc thật kĩ khi quyết định sản xuất vụ lúa  Đông Xuân muộn.  

Nông dân cần thận trọng khi sản xuất lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là vụ Xuân Hè)
 Kiểm tra độ mặn trên sông.

Huyện Kế Sách có khoảng 9.000 ha trồng lúa, là vùng hở, khả năng trữ nước thấp nên một khi mặn xâm nhập sâu, địa phương sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng, trong đó có xã An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội và thị trấn Kế Sách là các khu vực sản xuất lúa Đông Xuân muộn. Căn cứ dự báo của cơ quan chuyên môn cùng diễn biến tình hình độ mặn thực tế tại địa phương, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách đã chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân muộn theo mục đích "né mặn", với 2 đợt chính. Đợt 1 xuống giống từ ngày 12/01 đến ngày 6/2, đợt 2 từ ngày 13/2 đến ngày 19/2. Đến nay, huyện đã xuống giống được trên 2.000 ha lúa.

Để chuẩn bị tốt cho vụ lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là Xuân Hè) và công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2024 được tốt hơn, ông Trần Văn Toàn (ảnh trên) - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách khuyến cáo bà con nông dân  sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân sớm thì tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất và xuống giống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên xuống giống phải đảm bảo thời gian cách ly giữ 2 vụ là từ 2-3 tuần. Bên cạnh đó là tăng cường nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao để tích trữ nước ngọt, tránh nước mặn xâm nhập.

Tại huyện Long Phú, dịa phương đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa Đông Xuân chính vụ, năng suất và giá bán đều cao hơn so với cùng kỳ nên nông dân rất phấn khởi chuẩn bị làm đất xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn tại các khu vực thu hoạch sớm, với khoảng 1.000 ha, dự kiến đến cuối vụ thu hoạch, con số này nhiều khả năng sẽ tăng đến 6.000 ha. Trong tình hình này thì nhiều khả năng năng suất và chất lượng trà lúa ở giai đoạn cuối vụ sẽ bị ảnh hưởng, bởi nếu mặn xâm nhập sâu và tăng cao, hệ thống kênh thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt chỉ có thể cung cấp lượng nước ngọt dự trữ cho khoảng 1.000  đến 2.000 ha.  

Theo đó “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn. Bởi vì với hệ thống kênh hủy lợi trên địa bàn, nếu bà con xuống giống với diện tích 16.000 ha đất canh tác lúa của toàn huyện thì sẽ không đủ lượng nước ngọt đáp ứng việc tưới tiêu cho bà con trong thời gian tới”, ông Lê Thành Thái (ảnh trên) - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho hay.

Năm nay, nhằm bảo toàn hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa trong mùa khô, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng lịch thời vụ khuyến cáo cho các vùng sớm hơn 15-20 ngày để né hạn mặn vào cuối vụ, đồng thời, khuyến  cáo nông dân ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới không nên sản xuất vụ Đông Xuân muộn. Tuy vậy, do năm nay lúa có giá, lợi nhuận cao nên một số nông dân vẫn tự phát xuống giống lúa Đông Xuân muộn. Dự kiến, Sóc Trăng còn khoảng 28.000 ha trong kế hoạch chuẩn bị xuống giống tại các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và khoảng 7.500 ha không nằm trong kế hoạch.

Theo ông Trần Vĩnh Nghi (bìa trái ảnh trên) - Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, ở vụ Đông Xuân 2023 - 2024, mực nước ngọt ở thượng nguồn sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình hình mặn xâm nhập sẽ diễn ra gay gắt và cao điểm vào khoảng tháng 2 và tháng 3 năm 2024. Đối với các vùng rủi ro cao, có nguy cơ thiếu nước ngọt, nông dân nên luân canh các cây trồng cạn để hạn chế việc sử dụng nước ngọt, như vậy sẽ đảm bảo hơn so với việc canh tác lúa trong điều kiện hạn, mặn.

Hiện nay, theo kết quả đo độ mặn nguồn nước hàng ngày của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thì mặn đã bắt đầu xuất hiện tại các cửa sông. Các vùng sản xuất có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xâm nhập mặn gồm 2 huyện ven biển là Trần Đề và Long Phú với gần 40.000 ha đất trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt. Đặc thù của hệ thống thủy lợi này là có bờ bao khép kín, các cống như Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe đều là những cống đầu nguồn tiếp ngọt cho toàn vùng. Tuy nhiên, trường hợp mặn xuất hiện khoảng 2‰ vào Vàm Đại Ngãi thì khả năng tiếp nước cho vùng này là rất khó, bởi toàn bộ hệ thống cống phải đóng lại để ngăn mặn.

Theo ông Trầm Việt Quang (ảnh trên) - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, lực lượng công nhân quản lý cống hiện đang theo dõi sát diễn biến độ mặn. Khi độ mặn giảm xuống sẽ tranh thủ lấy nước vào để phục vụ sản xuất cho bà con. Tuy nhiên vào tháng 2, tháng 3 là các tháng cao điểm mùa khô thì mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn. Nếu mặn xuất hiện trong thời gian dài thì buộc phải đóng tất cả các hệ thống cống lại. Hậu quả thì sẽ giống như các đợt hạn, mặn cực đoan vừa rồi, nguồn nước trong thệ thống kênh sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Trong điều kiện nguồn nước đảm bảo thì sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn sẽ mang đến năng suất rất cao. Tuy nhiên, khi hạn mặn diễn biến gay gắt, rủi ro ảnh hưởng là không nhỏ, bởi phần lớn vùng sản xuất của Sóc Trăng là vùng hở, khả năng khống chế mặn là rất khó. Cho nên nông dân cần linh hoạt bố trí thời vụ sản xuất, ưu tiên chuyển đổi cây trồng hợp lý, tiết kiệm nước tưới để đạt được hiệu quả kinh tế tối ưu./.

Trọng Phước, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online